[Review Sách] “Kẻ Thù Của Ý Chí”: Tại Sao Bạn Quyết Tâm Mãi Mà Không Thành Công?
Và trong cuốn sách vô cùng thiết thực và hữu ích này, Hardy sẽ dạy cho bạn mọi thứ từ cách đặt "các chức năng cưỡng bức" trong cuộc sống của bạn (vì vậy các hành vi mặc định của bạn sẽlà chính xác những gì bạn muốn) cho đến cách tạo ra một môi trường giúp bạn có thể sáng tạo vô tận và có được năng suất như ý. Nếu bạn đã sẵn sàng hành động cho thành công của mình, cuốn sách này là dành cho bạn.
[Review Sách] “Kẻ Thù Của Ý Chí”: Tại Sao Bạn Quyết Tâm Mãi Mà Không Thành Công?
Bạn đã từng cố gắng cải thiện cuộc sống của mình hàng triệu lần, cũng hàng triệu lần đó bạn quay trở về vạch xuất phát một cách bực bội. Bạn thử vạch ra mục tiêu cho năm mới, nhưng mới chỉ tới hai tháng mọi thứ đã quay lại như cũ. Bạn đặt ra những mục tiêu lớn thay đổi cuộc đời, nhưng có vẻ như không thể đạt được dù cố gắng thế nào đi nữa. Sau khi nếm đủ thất bại, bạn chắc hẳn nghĩ rằng mình không có đủ những yếu tố cần thiết - sự can đảm, sức mạnh nội lực hay sức mạnh ý chí. Nhưng nếu vấn đề không hề bắt nguồn từ bạn? Cuốn sách Kẻ Thù Của Ý Chí của tác giả Benjamin Hardy sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở: “Tại sao bạn quyết tâm mãi mà không thành công?”
Cuốn sách này sẽ đi theo 3 phần chính là:
Phần 1: Môi trường của bạn định hình con người bạn.
Ở phần này, tác giả sẽ chứng minh cho chúng ta thấy rằng cái chúng ta cần để thay đổi bản thân không nằm ở sức mạnh ý chí, chúng chỉ cho ta những thay đổi nhỏ; nhưng để có thể thay đổi bản thân hoàn toàn và dài hạn, điều bạn cần tới là môi trường sống xung quanh bạn.
Phần 2: Làm thế nào để tách biệt với sức mạnh ý chí?
Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều cách để có thể tách biệt suy nghĩ của bạn với sức mạnh ý chí trong phần 2 này như: trải nghiệm đỉnh cao, viết nhật ký,… Và đặc biệt, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của một môi trường hằng ngày, đảm bảo bạn sẽ đi đúng hướng với mục tiêu bạn đề ra.
Phần 3: Đưa hiệu suất hoạt động cao và thành công vào môi trường của bạn
Đây là phần cuối cùng của cuốn sách, tập trung vào việc làm thế nào để tạo được một môi trường ảnh hưởng tốt nhất đến bạn; và những bí mật sẽ nằm hầu hết tại đây.
Môi trường của bạn định hình con người bạn
Arnold M. Washton, một chuyên gia về những thói quen gây nghiện từng phát biểu rằng "Rất nhiều người nghĩ rằng điều mà tất cả những người có thói nghiện cần là sức mạnh ý chí, nhưng không gì quan trọng hơn môi trường sống". Và có một sự thật là những người cố gắng nhiều nhất lại là những người vật lộn khổ sở nhất! Trong thế giới ngày nay, sức mạnh ý chí đã không còn, nó đã biến mất ngay khi bạn thức dậy và cắm mặt vào chiếc điện thoại. Theo nghiên cứu về tâm lý học, sức mạnh ý chí của bạn cũng giống như cơ bắp. Nó là một nguồn lực có hạn và hao mòn sau một thời gian sử dụng. Kết quả là đến cuối những chuỗi ngày chật vật, cơ bắp mang tên sức mạnh ý chí sẽ kiệt sức, bạn sẽ trở lại với bản ngã trần trụi và không có khả năng phòng vệ - với khả năng kiểm soát bằng không trước những cơn đói về đêm và những thói quen lãng phí thời gian.
Bạn chính là bạn bởi môi trường sống của bạn.
Bạn muốn thay đổi? Vậy hãy thay đổi môi trường sống của mình và dừng ngay cơn cuồng sức mạnh ý chí kia đi!
Lấy ví dụ, nếu bạn muốn tập trung vào công việc, bạn cần phải gỡ bỏ tất cả những yếu tố gây nhiễu trong không gian làm việc thực cũng như không gian kỹ thuật số. Nếu bạn muốn ăn uống lành mạnh, hãy loại bỏ tất cả những thức ăn có hại cho sức khỏe trong tủ lạnh. Nếu muốn có thêm động lực, hãy nhận lấy nhiều trách nhiệm hơn, kể cả phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn cho cả thành công lẫn thất bại.
Những nghiên cứu khoa học cũng xác nhận câu nói được trích dẫn rộng rãi từ tác giả và diễn giả Jim Rohn rằng: “Chúng ta là trung bình cộng của 5 người mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất”. Ví dụ, nếu bạn của bạn béo lên; xác suất bạn cũng trở nên nặng cân hơn trong tương lai gần sẽ gia tăng đột biến. Điều này được tác giả gọi là kết nối thứ cấp tiêu cực và thường thì nó nguy hiểm hơn kết nối sơ cấp tiêu cực, vì bạn thường không nhận ra nó. Vì vậy, bạn không chỉ là những gì mà bạn ăn, mà còn là những gì bạn của bạn ăn vào.
Tuy nhiên, sức mạnh của môi trường không chỉ đến từ những gì được kể trên, mà còn là thứ chúng ta học được, trải nghiệm và trầm trồ trong cuộc sống hàng ngày.
Tác giả đã kể câu chuyện thay đổi hết sức của mình trong suốt ba năm trong vai trò là cha mẹ nuôi. Khi nhận nuôi bọn trẻ, rõ ràng là chúng đến từ một thế giới khác tác giả. Đứa năm tuổi không thể đếm đến 10 hay xác định chữ cái đầu tiên trong tên của nó. Đứa bảy tuổi không hẳn là đọc mà chỉ là mò mẫm từng chữ mà nó ghi nhớ được. Benjamin hiểu rằng cần phải sắp xếp lại cuộc sống, lịch trình và ưu tiên của mình. Trong vòng 3 năm, những đứa trẻ đã được đi du lịch tới hơn 30 bang ở Mỹ, và điều đó mở rộng một cách đáng kể thế giới quan của chúng và đem đến cơ hội tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau mà chúng chưa từng biết tới trước đó. Những môi trường ấy đã biến đổi những đứa trẻ và cả tác giả một cách sâu sắc. Và thật kỳ lạ khi nhìn lại bọn trẻ bé như thế nào khi mới nhận nuôi và chúng đã thay đổi biết bao nhiêu sau chừng ấy năm.
Tri thức khoa học mới của sự biến đổi
Trong một thời gian dài, các nhà tâm lý học tin rằng chỉ tồn tại mối quan hệ một chiều giữa tâm trí và cơ thể. Khi tâm trí lên tiếng, cơ thể sẽ nghe theo. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mối quan hệ này mang tính hai chiều: tâm trí có thể tác động lên cơ thể, nhưng cơ thể cũng có thể tác động và điều khiển tâm trí.
Hành vi không bắt nguồn từ tính cách. Thay vào đó, tính cách được định hình từ hành vi. Khi bạn hành động theo một số cách nhất định, sau đó bạn phán xét chính mình dựa trên những hành động đó. Như thế, bạn có thể biến đổi nhanh chóng nhận dạng tính cách của bản thân chỉ đơn giản bằng cách thay đổi hành động.
Lấy ví dụ, nếu bạn muốn có động lực, hay vận động cơ thể, vỗ tay hết sức trong vòng vài giây. Hay như việc, bạn sẵn sàng đi đến một đất nước chưa từng đến một mình, sau đó bạn sẽ tự nhận thấy rằng bạn là một người dám mạo hiểm.
Làm thế nào để tách biệt với sức mạnh ý chí?
“Trải nghiệm đỉnh cao” – thứ mà được các nhà tâm lý học mô tả là “hiếm có, lý thú, mênh mông như biển cả, cảm động sâu sắc, phấn khởi, nâng tầm trải nghiệm để tạo nên dạng cao cấp hơn của thực tế được nhận thức, và thậm chí còn bí ẩn và kỳ diệu trong chính những nỗ lực mà nó mang lại cho người trải nghiệm”. Trải nghiệm đỉnh cao sẽ thay đổi quỹ đạo cuộc sống và sự nghiệp của con người. Chỉ khi có được sự thay đổi mạnh mẽ về mô thức trải nghiệm, bạn mới có thể thực sự nhìn thấy được những gì đang xảy ra trong cuộc đời có ý nghĩa như thế nào. Sau đó, bạn mới có thể đưa ra những quyết định có sức mạnh khi đang ở trong trạng thái được nâng cấp, để nâng tầm cuộc sống cũng như là giá trị của chính bạn. Vậy trải nghiệm đỉnh cao là gì? Và vì sao nó lại có tác động mạnh mẽ đến cuộc đời bạn nhiều như vậy? Có thể nói, trải nghiệm đỉnh cao là chúng ta ở trong môi trường tối ưu hóa cho việc nghỉ ngơi và phục hồi; ví dụ như những chuyến du lịch cùng gia đình, hoặc bạn cũng có thể tự đi một mình để trải nghiệm cũng như khám phá các vùng đất mới, làm giàu kiến thức và kĩ năng cho bản thân. Khi bạn đã có được những trải nghiệm đỉnh cao, bạn sẽ có được những hiểu biết sáng tạo sâu sắc và sau khi nhìn thấy chính bản thân và thế giới trong một cái nhìn mới, bạn có thể vượt lên trên những nỗi sợ hãi nhỏ nhặt cùng những niềm tin đang níu giữ bạn với môi trường hiện tại. Lý do mọi người xem trải nghiệm đỉnh cao là một thứ gì đó hiếm có là vì họ không thiết lập cuộc sống theo cách để trải nghiệm đỉnh cao xuất hiện thường xuyên. Theo như tác giả đã nói, hầu hết mọi người không hề có kết nối với bản thân. Và vì lẽ đó, khi chúng ta một lần có được trải nghiệm đỉnh cao sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc, chúng ta sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới những quyết định và cuộc đời ta.
Đưa hiệu suất hoạt động cao và thành công vào môi trường của bạn
Trong cuốn sách này, Benjamin Hardy đã chỉ ra 5 chức năng cần thiết để giúp bạn tái tạo lại cuộc sống và tập trung vào việc hoàn thành mục tiêu. 5 chức năng này sẽ đưa bạn vào một môi trường tập trung, một môi trường mà bạn hoàn toàn nhập tâm và hiện hữu trong khoảnh khắc đó. Những chức năng hiệu nghiệm nhất bao gồm:
· Sự đầu tư lớn
· Áp lực xã hội
· Hệ quả lớn của hành động tồi tệ
· Mức độ khó khăn cao
· Tính mới mẻ
- ĐẦU TƯ LỚN
Kelly Flatley, một nhân viên marketing đã sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi con đường bán công thức ngũ cốc dinh dưỡng mà cô học được từ khi còn là sinh viên. Kelly đã có sự đầu tư thay đổi cuộc đời khi cô đã đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm và thời gian để thuê lại một căn bếp chuyên dùng cho quảng cáo. Sau nhiều nỗ lực và cống hiến của Kelly cũng như của những người bạn cộng sự; từ một người bán ngũ cốc nhỏ lẻ ở các sự kiện cộng đồng, cô đã trở thành một doanh nhân đích thực, bán lại công ty sáu năm sau đó cho công ty con của Kellogg’s với giá 60 triệu đô la.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi có một tư duy phát triển, bạn chắc chắn sẽ theo đuổi bền bỉ hơn. Ngay cả khi bạn đã thất bại vài lần, và người khác cho rằng bạn kì quặc, mạo hiểm; thì bạn vẫn sẽ tiến lên, tiếp tục cố gắng và cố gắng cho tới khi thành công hoặc không thể cố gắng được nữa bởi bạn không chỉ đã được đầu tư, mà vì bên trong bạn cần tiếp tục tiến lên.
Vậy làm thế nào để bạn có thể coi việc đầu tư nhiều hơn vào bản thân như là một chức năng bắt buộc?
- ÁP LỰC XÃ HỘI
Khi bạn nói cho ai đó về việc bạn sẽ thiền hai lần cho tới dịp gặp gỡ tiếp theo với họ, bạn sẽ cảm thấy mình là một người tồi tệ nếu bạn không làm được điều đó. Câu nói này tuy có vẻ đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong nó là một sức mạnh vô cùng to lớn.
Bạn cần làm thế nào để tạo ra áp lực xã hội cho các mục tiêu và kế hoạch hiện tại?
- HỆ QUẢ LỚN CỦA HÀNH ĐỘNG TỒI TỆ
Nếu bị béo ngay sau khi ăn một cây kem, bạn sẽ không ăn nó. Nếu những giấc mơ của bạn vỡ vụn ngay trong khoảnh khắc bạn lướt facebook, bạn sẽ không dùng facebook nữa. Chính vì vậy, hãy tạo ra những hệ quả cho thất bại – những hệ quả lớn. Không chỉ những hệ quả xã hội, mà cả hệ quả đối với lợi nhuận.
Bằng cách nào để bạn biến những hệ quả từ hành động của mình trở nên có sức khích lệ to lớn?
- MỨC ĐỘ KHÓ CAO
Hầu hết mọi người đều sai lầm khi tin rằng hạnh phúc là khi không còn gánh nặng. Chúng ta muốn cuộc sống trở nên dễ dàng, không còn thử thách hay khó khăn. Tuy nhiên, chỉ khi có gánh nặng thì chúng ta mới có lực kéo cần thiết để tiến lên phía trước. Đôi vai của chúng ta sẽ buộc phải trở nên rắn chắc để chịu được sức nặng.
- SỰ MỚI MẺ
Khi bạn làm những việc chưa từng làm bao giờ, bạn sẽ tập trung và chuyên chú hơn. Khi tiếp xúc với những thông tin mới, não bộ của bạn buộc phải làm việc nỗ lực hơn.
Càng có nhiều sự mới mẻ được gắn kết vào cuộc sống và môi trường của bạn, bạn càng chuyên tâm. Bạn càng tạo ra nhiều sự kết nối với mô hình tâm lý của mình, bạn sẽ có càng nhiều sự kết nối để sử dụng trong công việc hiện tại.
Kết luận: Đọc cuốn sách Kẻ thù của ý chí, bạn sẽ thấy có rất nhiều những dẫn chứng, những ví dụ ngay trong cuộc sống chúng ta, nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến chính chúng ta, và là bài học khắc cốt ghi tâm. Đó chính là sự nghiên cứu và là chính trải nghiệm của tác giả.
Bạn có thể thay đổi. Nhưng bạn phải thay đổi môi trường của mình. Bạn phải liên tục thay đổi môi trường nếu như muốn nâng cấp chính mình.
0 Nhận xét