Tiểu sử Võ Tắc Thiên - “Nữ đế” duy nhất trong lịch sử phong kiến

 


Là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, Võ Tắc Thiên được xem như một “hiện tượng” độc nhất mà khó có người phụ nữ nào làm được. Thông minh, tài giỏi, xinh đẹp, đó là những điều mà mọi người sẽ nghĩ khi nhắc tới người phụ nữ quyền lực này. Vậy, tiểu sử Võ Tắc Thiên như thế nào? Các bạn đã hiểu rõ về cuộc đời của nữ vương duy nhất trong lịch sử này hay chưa? Bài viết sau đây sẽ là tiểu sử Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế duy nhất được chính thức công nhận trong bề dày lịch sử phong kiến của Trung Quốc.



1. Tiểu sử Võ Tắc Thiên, người con gái thông minh

Võ Tắc Thiên hay còn được biết đến với tên gọi như Võ Mị Nương, Võ Chiếu hay Võ Hậu. Về tên thật của bà thì sử sách không ghi chép lại hay nói chính xác là chưa thể xác định được. Cái tên Võ Chiếu do chính bà tự nghĩ ra với việc ví mình như ánh dương và có ý nghĩa là “nhật nguyệt đương không”. Sinh ngày 17 tháng 02 năm 624 trong một gia đình quý tộc khá giả.

Có cha là Võ Sĩ Hoạch, xuất thân trong một gia đình quý tộc có tiếng ở vùng đất Sơn Tây. Mẹ là Kế thất phu nhân Dương thị, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc hoàng gia thời nhà Tùy. Với nền tảng bối cảnh như vậy, Võ tắc Thiên được sống trong một cuộc sống thoải mái và không cần làm quá nhiều công việc nặng nhọc. 

Tuy nhiên, điểm khác biệt của Võ Tắc Thiên so với đa số các cô gái ở thời điểm đó chính là việc bản thân bà lại không có hứng thú với việc may vá hay thêu thùa. Mà lúc ấy, sự hứng thú của bà chính là việc đọc sách. Cộng với việc được người cha khuyến khích việc học tập, đi ngược lại với quan điểm con gái không cần lo chuyện học hành thời đó thì cha của Võ Mị Nương là người có tư tưởng tiến bộ hơn hẳn. Chính điều này đã tạo cơ hội cho Võ Mỵ Nương có thể hiểu biết và có được kiến thức uyên bác hơn so với các nữ nhân ở cùng thời. Những tri thức của bà đặc biệt sâu sắc ở các lĩnh vực như chính trị, lĩnh vực văn học, lĩnh vực âm nhạc và các nghi lễ trong thời đại phong kiến Trung Hoa lúc bấy giờ.

Với ngoại hình xinh đẹp và tư chất thông minh, Võ Tắc Thiên nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được Thiên tử là Đường Thái Tông để ý. Điều này đã mở ra cuộc đời của bà sau đó trong cung với việc trở thành phi tần và là nữ vương duy nhất trong lịch sử phong kiến đầy hà khắc của Trung Quốc.

2. Bước chân vào hậu cung của nhà Đường

Dấu mốc đánh dấu sự kiện trở thành phi tần của Võ Tắc Thiên chính là tháng 11 năm 637. Khi đó, hoàng đế là Đường Thái Tông nghe danh của Võ Tắc Thiên đã quyết định triệu Võ thị vào cung và phong chức danh Tài nhân. Biết tin con gái phải vào cung, mẹ của bà là Dương thị đã than khóc không thôi. Thấy vậy, Võ Tắc Thiên đành phải an ủi mẹ của mình để bà có thể bớt đau lòng mà mình cũng không cần phải quá lo lắng khi rời khỏi nhà. 

“Cớ chi mẫu thân lại bảo gặp được Thiên tử không phải là phúc phận của con”, chỉ một câu nói thôi nhưng đã cho thấy được ý chí, sự gan dạ của cô gái này. Việc vào cung không phải là một chuyện đơn giản, muốn vào là vào hay muốn ra là ra. Trong thời buổi đó, rất nhiều cô gái cảm thấy sợ hãi với việc vào cung cũng như sợ phải đối mặt với những mưu mô và bị người khác hãm hại. Thế nhưng với Võ Tắc Thiên thì đó không phải là điều mà bà quan tâm khi nghe tin mình sẽ vào cung. 

2.1. Là một tài nhân nhưng không được sủng ái

Vào cung, Võ Tắc Thiên được vua Đường Thái Tông ban cho chữ Mỵ làm tên, vì thế mà mọi người trong cung gọi bà là Võ Mỵ. Tuy nhiên, đời sau lại thường gọi thành Võ Mỵ Nương, còn đương thời thì không ai gọi bằng tên này cả. Xinh đẹp, thế nhưng, Võ tài nhân lại không được sủng ái quá nhiều. Mặc dù cũng có được ngự hạnh, thế nhưng, số lượng cũng không là bao.

Trong khoảng thời gian mới vào cung này, sử sách không ghi chép quá nhiều thông tin về bà. Năm 643, Thái tử Lý Thừa Càn bị phế truất, Lý Trị được phong làm thái tử. Khoảng thời gian này, Võ tài nhân thường ở bên chăm sóc cho hoàng đế Đường Thái Tông và Thái tử Lý Trị bắt gặp liền đem lòng say mê. Có thể nói, với Võ Tắc Thiên, Thái tử Lý Trị vừa gặp đã yêu.

Năm 649, hoàng đế Đường Thái Tông qua đời. Lý Trị lên ngôi. Lúc này, Võ thị đã làm tài nhân được 10 năm nhưng chưa có con. Chính vì thế mà phải cạo tóc, xuất gia làm ni cô tại Cảm Nghiệp Tự. Đến tháng 5 năm 650, vào ngày giỗ của tiên đế, hoàng đế Đường Cao Tông (tức Lý Trị) đến Cảm Nghiệp Tự và gặp lại Võ Tắc Thiên. Lúc này, tuy đã cạo đầu thế nhưng dung nhan diễm lệ của bà vẫn không hề phai đi, Đường Cao Tông bèn nảy ý muốn đón bà về cung. Với sự hậu thuẫn của Vương hoàng hậu, mượn Võ thị để tranh sủng, bà đã xin hoàng thượng đón Võ Mỵ Nương về cung và được chấp thuận.

Năm 651, Võ Mỵ Nương chính thức quay lại hậu cung, lúc này, bà đang mang thai đứa con đầu lòng của mình là Lý Hoằng, con của vua Đường Cao Tông.

2.2. Trở về hậu cung nhà Đường

Trở về cung, với việc sinh được con trai, Võ Tắc Thiên được phong làm Chiêu Nghi. Từ thời điểm đó, Võ chiêu nghi ngày càng được sủng ái hơn bao giờ hết. Mặc dù sinh được con trai, thế nhưng, hoàng thái tử lúc này vẫn thuộc về con nuôi của Vương hoàng hậu là Lý Trung.

Đến tháng giêng năm 654, Võ chiêu nghi hạ sinh được một công chúa, gọi là An Định Tư công chúa. Theo hai cuốn sách là An Đường Tư và Tư Trị Thông Giám, thì chính Võ Chiêu Nghi đã giết hại con gái mình và đổ tội cho Vương hoàng hậu khi Hoàng hậu vừa thăm công chúa trở về. Điều này đã khiến cho Đường Cao Tông muốn phế hậu, sự kiện này còn được sử sách ghi chép là “Phế Vương lập Võ”. 

Cơ hội của Võ Chiêu Nghi ngày càng mở rộng hơn khi phe cánh của bà ngày càng mạnh hơn. Cộng với sự sủng ái của Đường Cao Tông, việc thành hoàng hậu chỉ là vấn đề thời gian với Võ Chiêu nghi. 

2.3. Trở thành Hoàng Hậu nhà Đường

Ngày 27/11/655, Vương hoàng hậu bị phế truất. 7 ngày sau đó, Võ Chiêu nghi được sắc phong làm Hoàng hậu. trở thành Hoàng hậu, Võ Tắc Thiên ngày càng có nhiều quyền lực hơn, phe cánh vì thế mà cũng trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều. 

Năm 656, Hoàng thái từ là Lý Trung bị phế truất, con của Võ hậu là Lý Hoằng được phong làm Hoàng thái tử. Võ Tắc Thiên lúc này bắt đầu cho việc trả thù những người trước đây đã không ủng hộ mình. Trước đó, bà đã sai người chặt hết tay chân của Tiêu thị, đem đi ngâm giấm và sau đó thì bị ám ảnh bởi cái chết của Tiêu thị. 

Chử Toại Lương, Hàn Viện, Trưởng Tôn Vô Kỵ là những nạn nhân tiếp theo mà Võ Tắc Thiên cùng với phe cánh của mình quyết định xử lý. Với việc các quan thần đối đầu với Võ Mỵ Nương bị điều đi, Đường Cao Tông cũng có lợi với việc nắm được quyền lực một cách tuyệt đối của hoàng đế. Chính quyền “quân chủ tập quyền” lúc này đã được khẳng định và cải thiện hơn rất nhiều.

Đường Cao Tông với sự hỗ trợ của Võ Tắc Thiên đã đưa triều đình phát triển ngày càng hưng thịnh hơn. Do đó mà mọi ý kiến của Võ Tắc thiên đưa ra đều được hoàng đế chấp thuận. Với quyền lực ngày càng lớn trong tay, ngay cả khi bệnh nặng, Đường Cao Tông cũng có ý muốn để Võ hậu nhiếp chính. Tuy nhiên, thái tử lúc này lại khá bất mãn khi Võ Tắc Thiên nắm quá nhiều quyền lực. Điều này đã khiến cho Võ hậu không vui. Năm 675, Thái tử Lý Hoằng chết, nhiều sử sách cho rằng là do chính Võ hậu hạ độc trong bữa tiệc mà chết. 

Ngày 4/12/683, Thiên Hoàng qua đời, để lại di chiếu mọi việc đều do Thiên hậu quyết định. Vì thế, mặc dù Lý Hiển được làm vua, thế nhưng quyền lực lại hoàn toàn ở Võ hậu, lúc này đã trở thành Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Đường và cũng là Hoàng thái hậu đầu tiên trong lịch sử phong kiến thực hiện “lâm triều xưng đế”.

3. Lập triều Võ Chu, hiệu Thánh thần Hoàng Đế

Với thế lực trong tay mình, Võ thái hậu lúc đó đã tỏ ý muốn soán ngôi. Vì vậy đã quyết định diệt trừ tôn nhất nhà họ Lý để có thể mở đường cho mình lên ngôi. 

Ngày 9/9 âm lịch năm 690, Võ thiên hậu chính thức lên ngôi hoàng đế ở Tắc Thiên môn, quyết định đổi nhà Đường thành nhà Chu, quần thần tôn hiệu bà là Thánh thần hoàng đế. Đây được xem là điều không được phép xuất hiện trong lý thuyết chính trị của Trung Quốc thời điểm đó.

Với tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tiềm thức, việc Võ Tắc Thiên lên ngôi khiến cho rất nhiều quần thần bất mãn. Chính vì thế mà ngay khi lên ngôi, Võ hoàng quyết định dẹp mọi chống đối và đưa những người trung thành với mình vào trong triều. Giai đoạn cai trị của bà có thể nói là giai đoạn của sự xảo quyệt tài tình và chuyên quyền một cách hung bạo. 

Để có thể đảm bảo mọi người quy phục, Võ hoàng đã lập ra một đội mật thám chuyên giải quyết những người có ý chống đối. Những cái tên khét tiếng có thể kể đến như Lai Tuấn Thần, Chu Hưng,... Tuy nhiên, vẫn có những người tài giỏi như Địch Nhân Kiệt.

Năm 705, lúc này, Võ Tắc thiên đã hơn 80 tuổi và ốm yếu. Đường Trung Tông Lý Hiển lên làm vua, Võ Tắc Thiên trở thành Thái thượng hoàng, sau đó qua đời vào tháng 11/ 705. Trước khi lâm chung, Võ Tắc Thiên yêu cầu dùng thụy hiệu là Hoàng hậu chứ không phải là Hoàng đế. Mộ của bà được đặt ngay cạnh Đường Cao Tông và tấm bia mộ trống hoàn toàn.

4. Những điểm sáng trong chính sách cai trị của Võ Tắc Thiên

Trước khi trở thành hoàng đế thì Võ Tắc Thiên chính là cánh tay đắc lực của hoàng đế Đường Cao Tông trong việc cai trị đất nước. Bà đã đưa ra nhiều chính sách mang tính chính trị đổi mới, được đánh giá khá cao và đem lại những hiệu quả rõ rệt. Minh chứng chính là sự hưng thịnh của nhà Đường khi Đường Cao Tông nắm lại quyền lực tối cao cho mình. 

Đến thời của mình, mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian khá ngắn, thế nhưng, các nhà sử học đánh giá khá cao về sự bình đẳng giới trong xã hội của nhà Chu tốt hơn hẳn nhà Đường trước đó và các giai đoạn sau đó. Sự lên ngôi của bà cho thấy được rằng, tuy là phận nữ nhi, thế nhưng, nếu thực sự có năng lực thì vẫn có thể trở nên quyết đoán như một nam nhân. 

Bà đã có công rất lớn trong việc mở rộng lãnh thổ sang Trung Á, chiếm được bán đảo Triều Tiên. Tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như duy trì sự ổn định ở trong nước, khuyến khích phát triển tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Đó là những điều mà Thánh thần hoàng đế đã làm được trong vòng 15 năm cai trị của mình. 

5. Những góc khuất đằng sau nữ vương duy nhất trong lịch sử

Là một nữ nhân, thế nhưng, Võ Tắc Thiên lại không hề mềm yếu hay tỏ ra sợ hãi. Bà được xem là một người con gái vượt lên trên giới hạn bằng cách không thích hợp khi sử dụng các mưu đồ được sử sách ghi chép là độc ác và tàn bạo.

Những truyền thuyết xoay quanh vị nữ vương duy nhất này có thể kể đến như:

- Câu chuyện trị ngựa dữ


Tương truyền, Đường Thái Tông được tặng một con ngựa dữ từ Tây Vực và không ai trị được con ngựa này. Võ Mỵ Nương xin trị ngựa với 3 thứ là roi sắt, búa sắt và dao nhọn. Khi được hỏi tại sao lại dùng 3 thứ này thì bà đáp rằng: “Trước hết dùng roi sắt để đánh nó, nếu không được thì dùng búa sắt đánh vào đầu nó. Còn nếu như vẫn không được thì dùng dao đâm chết nó đi, vì thứ không trị được thì để làm gì?”

 Câu chuyện giết con

Tương truyền để có thể lật đổ được Vương hậu cũng như nâng cao địa vị của mình, sau khi sinh được công chúa, Võ Chiêu Nghi đã tự tay sát hại. Lúc ấy, Đường Cao Tông đến thăm con gái thì thấy công chúa nhỏ đã chết. Ông rất tức giận và tra hỏi đám cung nữ thì nhận được câu trả lời chỉ có hoàng hậu khi ấy là Vương hậu tới thăm mà thôi.

- Câu chuyện sợ mèo

Võ Tắc Thiên rất sợ mèo và thường bị ám ảnh bởi tiếng mèo kêu. Theo sử sách, điều này xuất phát từ cái chết của Vương hậu và Tiêu thị do chính Võ Tắc Thiên sai người xử lý. Oán hận sự độc ác của Võ Tắc Thiên, tiêu thụ thề khi chết sẽ hóa thành mèo để hàng đêm xé xác Võ hậu.

Còn rất nhiều các câu chuyện cũng như hành động khác nữa của Võ Tắc Thiên trong quá trình làm hoàng hậu cũng như hoàng đế. Mặc dù có những hành động vượt trái khuôn phép cũng như luân thường đạo lý. Thế nhưng, tài năng của bà vẫn là điều khó có thể chối cãi được. 





0 Nhận xét