Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Định dạng đề thi sẽ như nào?

 

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Định dạng đề thi sẽ như nào?


Xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, lần đầu tiên đại diện Bộ GD-ĐT nêu những thông tin ban đầu về dự kiến chuẩn bị về đề thi, định dạng đề thi theo hướng phát triển năng lực người học.

Sáng 20.9, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ kỳ thi năm tới. Trong đó có nêu phương hướng về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, năm đầu tiên học sinh (HS) thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự kiến đề thi có dạng thức "câu hỏi mở, trả lời ngắn"

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển năng lực của người học với 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm-NV), 10 năng lực (Năng lực chung: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác nhóm; giải quyết một vấn đề nhiều cách khác nhau. Năng lực chuyên môn: ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội-NV) nhưng dồn hết các phẩm chất và năng lực ấy vào một kỳ thi trên giấy là không khả thi. Những phẩm chất, năng lực này không thể đánh giá qua một kỳ thi trên giấy mà phải được hình thành, phát triển và đánh giá trong suốt 12 năm học. Đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT thì chỉ tập trung đánh giá năng lực đặc thù, gắn với mục tiêu rất quan trọng của THPT là định hướng nghề nghiệp thể hiện qua việc lựa chọn môn học, môn thi gắn liền với công việc sau này của các em.

Đáng chú ý, ông Hà nêu dự kiến về định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, đề thi năm 2025 vẫn có sự kế thừa với định dạng đề thi, việc dạy và học hiện hành, đồng thời có sự phát triển để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.

"Chúng tôi đã nghiên cứu, có thể phần câu dẫn trong đề thi có thay đổi hướng tới việc đánh giá năng lực nào đó của người học. Đặc biệt, có thêm các dạng thức như dạng trắc nghiệm 4 phương án đúng/sai, dạng thức câu hỏi mở nhưng trả lời ngắn. Mỗi dạng thức có ưu điểm, nhược điểm nhưng nếu kết hợp, hội tụ được hài hòa các dạng thức thì sẽ rất tốt. Dự kiến trong tháng 10 - 11 sắp tới, Bộ sẽ tiến hành xây dựng định dạng đề thi và tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương", ông Hà thông tin.

Về dự kiến xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp năm 2025, theo ông Hà đây là khâu hết sức quan trọng, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ ảnh hưởng kết quả kỳ thi. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ từng bước tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ xây dựng ngân hàng đề thi. Sắp tới sẽ xây dựng một nhóm chuyên gia cốt lõi, dự kiến mời Viện Khảo thí giáo dục của Mỹ (ETS) cùng với chuyên gia hàng đầu trong nước. Sau đó sẽ tiến hành bồi dưỡng mở rộng cho đội ngũ giáo viên làm công tác khảo thí ở 63 tỉnh thành. Trước khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thì cũng sẽ xây dựng hình thức thư viện câu hỏi thi để từ đó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Chuyên gia đề xuất chỉ thi 2 hoặc 3 môn bắt buộc

GS Đỗ Đức Thái (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng để xây dựng được đúng đắn các quan điểm, mục tiêu, phương thức và cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho HS, cần thống nhất những nguyên tắc: đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS; cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.

"Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT (nếu có) chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH chứ không đóng vai trò trực tiếp tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT nên khuyến khích các trường ĐH và CĐ tự chủ hoàn toàn trong vấn đề tuyển sinh với những phương thức tuyển sinh khác nhau phù hợp với từng nhà trường", GS Thái nhấn mạnh.

GS Đỗ Đức Thái cũng chỉ ra rằng, đánh giá giáo dục, trong đó có phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của HS. Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý "học gì thi nấy", không thể để xảy ra việc "thi gì học nấy".

Đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần tạo dựng niềm tin cho HS, cha mẹ HS về giá trị mà học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời của HS sau này; từ đó động viên, lôi cuốn HS vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học để đạt được điều đó, không thể dùng biện pháp hành chính là bắt buộc thi môn học để buộc HS phải học môn đó.

GS Đỗ Đức Thái đề nghị hai phương án về môn thi bắt buộc như sau: phương án 1 gồm hai môn toán và ngữ văn; phương án 2 gồm 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Với môn thi tự chọn: hai môn học sở trường đã được HS chọn từ những môn học được giảng dạy ở cấp THPT.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Định dạng đề thi sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

NGUYỄN MẠNH

Vì sao B GD-ĐT vẫn phải ra đề thi ?

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng kỳ thi hiện nay cũng như từ năm 2025 tiếp tục phân cấp mạnh cho các địa phương. Tuy nhiên, có những vấn đề chưa thể phân cấp được, ví dụ như khâu ra đề.

Lực lượng ra đề thi hiện nay do Bộ GD-ĐT huy động, tính trung bình mỗi năm khoảng 180 thầy cô trên toàn quốc, cả phổ thông lẫn ĐH. Nếu mỗi tỉnh tự ra đề, nhân 180 người với 63 tỉnh thành, số người ra đề thi sẽ là 11.340 người, rất lớn. Như vậy sẽ gây lãng phí, nhưng quan trọng hơn không chỉ là kinh phí mà mặt bằng kiến thức sẽ không công bằng giữa đề của tỉnh này với tỉnh kia. Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta khi tổ chức kỳ thi này là đánh giá công tác quản lý dạy học trên mặt bằng toàn quốc. Bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi này còn được các trường ĐH, CĐ dùng để xét tuyển, vì Nghị quyết 29 cũng đề cập mục tiêu này.


"Vì vậy, chúng ta không bàn vấn đề này mà chỉ thực hiện, thực hiện xong đánh giá hiệu quả sau", ông Thưởng nói. Ngoài ra, theo ông Thưởng còn là khâu an ninh, an toàn trong việc bảo mật đề thi. Nếu mỗi địa phương tự ra đề thì tính rủi ro rất cao. Việc ra đề thi rất áp lực, vất vả, không phải Bộ muốn nhận mà là Bộ nhận khó khăn, vất vả về mình trong bối cảnh hiện nay.

Về số lượng môn thi, ông Thưởng cho biết: "Bộ đang tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đa số ý kiến của các sở GD-ĐT đang rất đồng thuận, nhiều ý kiến trùng lặp với đề nghị của GS Đỗ Đức Thái". 

0 Nhận xét