Khơi gợi tinh thần khởi nghiệp của sinh viên trong quá trình hội nhập
Quang cảnh diễn đàn. |
Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu là khách mời đến từ các Bộ, Ban, Ngành, 30 CLB sinh viên khởi nghiệp của các trường đại học, học viện, cao đẳng; các tổ chức trong nước và quốc tế và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết: Các trường đại học, cao đẳng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn và phát triển tinh thần khởi nghiệp sinh viên nói riêng và toàn trường nói chung.
Tại đây, nhà trường sẽ được bảo về quyền sở hữu trí tuệ, được chuyển giao những thành quả nghiên cứu khoa học, sinh viên được cung cấp môi trường học tập, nghiên cứu, được trang bị những kiến thức, kỹ năng và tư duy khởi nghiệp. Đồng thời, các trường cũng là đầu mối phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và cung cấp cơ hội thực tập, tư vấn và hỗ trợ kinh doanh cho sinh viên khởi nghiệp thành công.
Vì vậy, Diễn đàn giáo dục khởi nghiệp Quốc gia lần thứ nhất với chủ đề “Lý luận và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” được tổ chức nhằm khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của sinh viên Việt Nam trong quá trình hội nhập hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân An Việt phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, nâng cao kĩ năng khởi nghiệp của sinh viên, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT.
Nhấn mạnh khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là xu thế tất yếu và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của các trường ĐH, CĐ, ông Việt cho rằng Diễn đàn giáo dục khởi nghiệp quốc gia với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực sẽ trở thành sự kiện thường niên giúp cho lan toả tinh thần khởi nghiệp của HSSV trong trên phạm vi cả nước.
Tham luận tại chương trình GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - chia sẻ về phong trào khởi nghiệp trong sinh viên và những bài học thực tiễn. Theo đó, Học viện đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với quá trình đào tạo, trang bị kiến thức khởi nghiệp, chú trọng đến vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế, các cơ chế tài chính để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lưu Hữu Đức đến từ Học viện Tài chính chia sẻ: Các dự án khởi nghiệp của sinh viên hiện nay còn nhỏ lẻ, tự phát chưa được định hướng phát triển nên khi thực hiện thì không đem lại kết quả như mong đợi. Việc tiếp cận với nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên vô cùng khó khăn.
Chính vì vậy, cần tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giảng viên, thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Cần tạo điều kiện, cơ hội để các dự án khởi nghiệp sinh viên tiếp cận được với các đơn vị, vườn ươm, quỹ hỗ trợ để có thể đưa dự án khả thi vào kinh doanh. Đồng thời tổ chức giới thiệu, nhân rộng các mô hình điểm, hoạt động có hiệu quả trong công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và các trường Đại học, Cao đẳng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. |
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan đến từ Trường Đại học Thương mại nhận định về những thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo khởi nghiệp ở các trường Đại học và đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo khởi nghiệp trong các nhà trường cũng như gia tăng vai trò của các trường Đại học đối với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Bà Loan cho biết, đào tạo về khởi nghiệp là một lĩnh vực đào tạo cần thiết và có tiềm năng trong dài hạn. Do vậy, rất cần có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động đào tạo khởi nghiệp trong thời gian tới. Hoạt động đào tạo khởi nghiệp phải hướng tới những đối tượng có tiềm năng về khởi nghiệp. Chương trình đào tạo về khởi nghiệp phải đảm bảo sự phù hợp và có tính thực tiễn cao.
0 Nhận xét