Chọn tổ hợp lớp 10: Cần gắn với định hướng nghề nghiệp
Việc lựa chọn tổ hợp lớp 10 THPT năm học 2023- 2024 đã có sự chủ động hơn từ phía các trường khi sớm xây dựng tổ hợp, thực hiện tư vấn trực tiếp và trực tuyến cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, bài toán chọn tổ hợp nào để học vẫn là câu hỏi khó với hầu hết học sinh lớp 10 hiện nay.
Hạn chế tối đa việc chọn sai môn học
Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT. Các trường sau năm đầu lúng túng trong việc xây dựng tổ hợp môn tự chọn cũng như tư vấn cho học sinh, phụ huynh thì năm nay đã chủ động ngay từ khi thí sinh xác nhận nhập học đã thông báo về tổ hợp môn cũng như tư vấn chọn tổ hợp phù hợp. Dẫu vậy, với người học, chọn tổ hợp nào vẫn là một bài toán cân não.
Em Lê Hoàng Ngọc - học sinh lớp 10, Trường THPT Lý Tử Tấn (Hà Nội) cho biết, gia đình muốn em theo học tổ hợp môn tự nhiên vì định hướng thi đại học (ĐH) khối A, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn trong khi em thấy mình phù hợp với khối xã hội hơn. “Em thấy căng thẳng tương đương với việc chọn trường khi thi vào lớp 10 vì nếu chọn sai, phải học lại sẽ rất khó khăn, mất thời gian và tiền bạc. Nhưng ngay lúc này, em cũng chưa thực sự biết mình phù hợp với nghề nghiệp nào trong tương lai để chọn môn học nào” – Ngọc nói.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều học sinh và phụ huynh khi chưa thể chắc chắn sự lựa chọn môn học hiện nay có phù hợp với định hướng thi ĐH sau này hay không, nhất là khi phương án thi tốt nghiệp sau năm 2025 chưa được công bố. Các trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao cũng là một vấn đề ảnh hưởng tới việc chọn môn học.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định, mặc dù nhà trường đã tổ chức tư vấn trực tiếp, tăng cường giải đáp trực tuyến để phụ huynh, học sinh có được quyết định đúng đắn nhất nhưng trên thực tế vẫn có thể xảy ra trường hợp chọn nhầm. Sau 1 năm học có nguyện vọng chuyển môn học lựa chọn, vì thấy không phù hợp hoặc thay đổi định hướng thi vào ĐH sẽ rất khó khăn. Bởi dù theo quy định, nhà trường cho phép học sinh đổi môn học lựa chọn nhưng chỉ có thể đáp ứng trên cơ sở những tổ hợp môn học lựa chọn mà trường đang có, chứ không thể vì một số học sinh xin đổi môn mà phát sinh các tổ hợp mới.
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Theo bà Nguyễn Thị Duyên - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), việc lựa chọn môn học theo thế mạnh của học sinh giúp các em phát huy năng lực, sở trường, được rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho nghề nghiệp mà mình lựa chọn ở cấp ĐH. Thực tế sau 1 năm học với các môn học tự chọn, tỷ lệ học sinh có nhu cầu chuyển mô hình hay chuyển tổ hợp môn của trường hầu như không có; đa số học sinh đều cảm thấy hứng thú với việc được lựa chọn môn học theo thế mạnh của mình.
Đây cũng là phản ánh chung của nhiều trường sau 1 năm thực hiện chương trình GDPT mới ở cấp THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, được học các môn theo nguyện vọng, sở trường, chất lượng học tập của học sinh lớp 10 thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ 1 cho thấy, tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học giảm, chỉ còn 0,1% - mức thấp nhất từ trước tới nay.
Theo ông Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Nha Trang), đầu tháng 2 vừa qua trường đã xây dựng phương hướng tuyển sinh từ năm 2025 trở đi và gửi xin ý kiến các trường THPT. Phương hướng tuyển sinh này của trường có định hướng quan trọng về các môn học cần thiết phải trang bị ở cấp THPT để làm nền tảng học một ngành đào tạo nào đó ở ĐH hơn là chỉ định hướng thuần túy về tổ hợp xét tuyển vào ngành đó. Khi đó, định hướng nghề nghiệp mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra sẽ càng rõ nét trong thực tế dạy và học ở các trường phổ thông hiện nay.
0 Nhận xét